Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa

Hotline 0918 190 3630949 811 263

Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa

Ngày đăng: 11/11/2021 08:33 PM

    Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa

     

    Chiều 11/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề "“Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

    Chú thích ảnh
    Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu.

    Đây là Hội thảo chuyên đề thứ 6 thuộc chuỗi 10 hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số".

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định, phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

    Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không”, họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “bốn có”: có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

    Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

    Tính đến ngày 20/8/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%; trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 27,71%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 43,4%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% quận, huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng đã được xây dựng như: cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

    Bên cạnh đó, trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng nhằm kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, đã kết nối 94/94 bộ, ngành, địa phương và kết nối với hệ thống quản lý văn bản điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến ngày 19/8/2021 có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc năm 2020 đạt 90,8% (vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP).

    Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã trao đổi những kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số, từ hệ thống công nghệ thông tin sang nền tảng số; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

    Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam đề xuất, để nâng cao thứ hạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam cần cải thiện dịch vụ trực tuyến, trong đó lựa chọn các dịch vụ công nhiều người dân quan tâm, mức độ truy cập tiềm năng nhiều như: khai sinh, khai tử, kết hôn, thuế, giấy phép lái xe, môi trường, thanh toán điện nước; đảm bảo tính dễ sử dụng, liên tục và ổn định của dịch vụ công trực tuyến; phân loại các dịch vụ công trực tuyến hướng tới từng đối tượng người dân: người trẻ, người khuyết tật, người nhập cư, các dịch vụ công đặc biệt theo diễn biến xã hội. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia và các cổng thông tin của quốc gia, cổng thông tin của các bộ, tỉnh, cơ quan nhà nước các cấp.

    Zalo
    Hotline